Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Để bắt đầu trồng lan bạn cần chuẩn bị một số thứ cần thiết là chậu và chất trồng (giá thể). Lan không như những loại cây thông thường, ngoài một số loại địa lan thì đa số đều không thể trồng trong đất. Ngọc điểm tết sẽ nêu lên các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam hiện nay.

Loại chất trồng được chọn tùy thuộc điều kiện ngoại cảnh, nhân lực, loài lan và qui mô sản xuất. Các chất trồng được sử dụng hiện nay gồm than, gạch, dớn, xơ dừa, rễ lục bình, vỏ thông. Các chất trồng của lan khác với đất dể trồng cây. Các chất trồng này dùng để cải thiện độ ẩm và tác dụng cơ học hơn là cung cấp dinh dưỡng.

– Than gỗ (than củi)

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-1 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Được dùng với mục đích giữ ẩm. Than là một chất trồng tốt nhất vì không có mầm bệnh, không bị mục và có khả năng giữ nước, vì thế than sẽ hấp thụ dinh dưỡng qua quá trình bón phân và thải ra dần qua sức hút rất mạnh của rễ lan. Than được dùng ở đây là loại than gỗ rừng trồng, được nung thật chín. Tránh tuyệt đối dùng các loại than gỗ rừng sác (đước) vì hàm lượng NaCl trong than cao, dễ làm chết lan.

– Gỗ

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-2 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Đối với các loại ưa thoáng và có rễ đẹp có thể ghép gỗ, loại gỗ tốt để ghép là các cành cây gỗ nghiến, nhưng do giá thành cao, khó kiếm nên người miền Bắc hay dùng cây gỗ nhãn, dễ kiếm lại khá bền, lâu mục với thời gian, người miền nam hay dùng thân cây vú sữa để ghép (có thể thay bằng gỗ cây me). Các khúc gỗ này bạn có thể bóc vỏ để giúp rễ cây tránh bị nhiễm nấm khi vỏ cây bị mục. Nếu được bạn nên chọn những khúc gỗ có hình thù kỳ quái một chút để tăng tính thẩm mỹ.

Ngoài ra có một số người trồng dùng gỗ lũa ( thường là lõi của một số loài cây lấy gỗ lâu năm, bị chết vùi trong đất giờ được lấy lên) gỗ này có đặc tính bền với thời gian, lâu mục, hình thù đẹp nhưng bù lại thì giá thành lại rất cao.

– Gạch

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-3 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Gạch trồng lan tốt phải nung thật già, nhằm mục đích ngăn chặn rêu mọc. Gạch ngói tốt hơn gạch thẻ vì có độ cong nên chất trồng luôn luôn có độ thoáng thích hợp. Ngoài ra bề mặt rễ bám cũng rộng hơn; nên rễ không phải mọc chồng chất lên nhau, cây sẽ phát triển tốt hơn nhưng nhược điểm của gạch là nặng nên không thích hợp cho việc trồng bằng dây treo.

– Đất sét nung

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-4 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Đây là loại giá thể nhân tạo được làm từ đất sét dạng viên lục giác hoặc viên đùn thỏi phù hợp theo kích thước của giá thể than củi hoặc dừa miếng. Đất sét nung khá phù hợp cho nhiều loại lan.

– Đá bọt

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-5 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Đây là loại đá bọt bazan, cung cấp thêm các nguyên tố dinh dưỡng khoáng cho lan.

– Dớn

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-6 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Đây là dạng sợi của thân và rễ cây dương xỉ (Cybotium baronletz) là một loại cây mọc nhiều ở các vùng thung lũng đồi núi Đà Lạt. Sở dĩ dớn được chọn vì không bao giờ đóng rêu nhưng hút ẩm tốt. Tuy nhiên, nếu chất trồng toàn dớn thì không có độ thoáng.

Có 2 loại dớn:

  • Dớn sợi: là loại dớn già, hóa mộc (có dạng từng sợi được ưa chuộng để trồng lan ở thành phố).
  • Dớn vụn: là phần còn lại của cây dớn sau khi đã lấy loại dớn sợi loại dớn vụn là nhưng phần non của thân cây dớn – loại này sử dụng trồng lan rất tốt ở vùng lạnh vì độ hút ẩm cao, thiếu thoáng khí, nên nhiệt độ trong chậu cao hơn bên ngoài , do đó dớn tạo một độ ẩm nhất định thuận lợi cho sự phát triển của rễ. Trái lại do điều kiện sinh thái ở thành phố có khác, nên các nhà vườn trồng lan tuyệt đối không nên dùng loại dớn vụn, vì nhiệt độ cao và ẩm độ tháp, nên phải tưới nước nhiều, dớn vụn bị bít dễ làm thối rễ lan. Ngoài ra, diều kiện nóng ẩm rất thuận lợi, cho một số loại côn trùng và nấm bệnh chọn dớn làm mục tiêu cắn phá.

Ngoài ra còn có loại dớn mềm xuất thân từ rêu biển, được nhập khẩu từ nước ngoài và đang được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam. Dớn mềm có ưu điểm giữ ẩm rất tốt và rất thích hợp cho hệ rễ lan phát triển. Giá cao, dễ bị rong rêu, úng nước trong mùa mưa.

– Vỏ dừa

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-7 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Có 2 loại thường được dùng:

  • Vỏ dừa chặt khúc: Có khả năng giữ ẩm tốt và chất dinh dưỡng được cung cấp từ phân bón giúp cho rễ phát triển tốt. Vỏ dừa chặt khúc nhỏ (1 x 3 x 2 cm) xử lý bằng nước vôi 5% hoặc NaOH 2%. Nhược điểm là không bền, dễ bị rong rêu phát triển trên bề mặt.
  • Vỏ dừa miếng: Đây là chất trồng lan chủ yếu của người Thái, dễ công nghiệp hóa nếu sản xuất lan đại trà trên quy mô lớn. Nhưng do số lượng nhiều và rất rẻ nên vỏ dừa miếng được trồng thành băng trên hệ thống giàn. Nếu dùng vỏ dừa miếng trồng chậu phải hạn chế tưới nước. Tốt nhất là tạo điều kiện đảm bảo ẩm độ bên ngoài hơn là trong chậu. Vỏ dừa miếng lại là môi trường rất tốt cho đa số các loài lan thuộc giống Dendrobium. Khuyết điểm là dễ mọc rêu, không thoáng, dễ mục. Đối với chất trồng này phải phun thuốc ngừa sâu bệnh thường xuyên.

– Xơ dừa

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-8 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Đây là chất trồng rất cần nếu sản xuất lan đại trà trên qui mô lớn. Xơ dừa có khuyết điểm dễ mọc rêu, không thoáng, dễ mục, nhưng do số lượng nhiều và rất rẻ nên xơ dừa được trồng thành băng trên vạt tre. Nếu dùng xơ dừa trồng chậu phải hạn chế tưới nước. Tốt nhất là tạo điều kiện ẩm độ bên ngoài hơn là trong chậu. Đối với chất trồng này phải phun thuốc ngừa sâu bệnh thường xuyên. Tuy nhiên xơ dừa lại là môi trường rất tốt cho đa số các loài lan thuộc giống Dendrobium.

– Rễ lục bình

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-9 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Cậy lục bình sống lan tràn mạnh mẽ ở khắp ao hồ, sông rạch trong cả nước, nên rất dễ kiếm, thuận lợi trong việc nuôi trồng hoa lan. Rễ lục bình có dộ hút ẩm cao, có nhiều đạm, giúp cây ra rễ và tăng trưởng rất mạnh trong thời gian đầu, nhưng dễ bị mục rã nên mắc các khuyết điểm như xơ dừa và dớn vụn.

– Vỏ cây

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-10 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

Ở Việt Nam, có nhiều loại cây có vỏ để trồng lan rất tốt tuy nhiên, nên chọn loại cây nào có vỏ lâu mục, vì vỏ cây cũng thuộc một trong số những chất trồng mau hủy hoại. Cây lan được trồng bằng vỏ cây thời gian đầu phát triển rất tốt. Sau 1 năm vỏ bị phân hủy thành mùn, gây úng nước, thối rễ và cũng là môi trường thích hợp cho sự xuất hiện một số loài sâu cẩn phá rễ. Vì vậy với chất trồng bằng vỏ cây, cây lan phải được thay chậu luôn.

Trong các loại vỏ cây thường được sử dụng như: vú sữa, sao, me, trai, thông… thì vỏ thông là loại vỏ cây được ưa chuộng nhất, vì vỏ thông có chứa resin nên eo tính sát khuẩn cao, lâu mục, không đóng rêu, ít có mầm bệnh các nấm hại. Vỏ thông có thể được lấy từ cây Thông 2 lá (Pinus merkusii) hoặc cây thông 3 lá (Pinus khasya) có nhiều ở Bảo Lộc và Đà Lạt. Tuy nhiên vỏ thông cũng rất bí bít, nên cần có lớp than độn dưới đáy chậu cho thông thoáng.

– Thành phần giá thể phù hợp cho từng nhóm lan

Giá thể trồng Cattleya: Cấu tạo giá thể là điều kiện quyết định sự phát triển của lan Cattleya, vì thế việc cấu tạo giá thể thay đổi tùy theo vùng và tùy theo mùa trong năm. Ở TP. Hồ Chí Minh, phương pháp trồng trên thân cây sống và thân cây chết thì giá thể chính là lớp vỏ của thân cây được trồng. Phương pháp trồng chậu thì giá thể phải thật thoáng. Một giá thể quá bí thì giúp người trồng ít phải tưới nước, nhưng cây rất dễ bị chết vì thối rễ, nhất là trong mùa mưa. Một giá thể với phần đáy thật thoáng tránh được sự úng nước và phần bề mặt hơi khít kín rất tốt cho sự phát triển của Cattleya. Vì thế, hiện nay một số nhà vườn trồng Cattleya không cần chất liệu để trồng, chỉ cần chậu làm bằng gỗ thông thoáng và buộc cây vào giữa chậu, rễ phát triển tốt. Tuy nhiên, một số vẫn trồng với giá thể là dớn cọng.

Đối với vùng lạnh, cấu tạo giá thể quá thông thoáng sẽ bất lợi cho sự sinh trưởng, vì nhiệt độ lạnh ban đêm sẽ làm các đầu rễ đui đi và bộ rễ teo dần, cây phát triển èo uột. Một giá thể bít kín sẽ giúp rễ có độ ấm để phát triển, do đó ở Đà Lạt người ta dùng các loại dớn vụn để làm giá thể trồng lan.

Giá thể trồng Dendrobium: Chậu trồng phải thật thoáng và không úng nước. Tuy nhiên, do bản năng sinh học và cấu trúc thực vật với giả hành có thân, các loài thuộc giống Dendrobium có thể dùng giá thể hơi ẩm hơn Cattleya chút ít nhưng không được làm thối căn hành. Vì thế một số loài Dendrobium có thể phát triển trên các giá thể là xơ dừa, than hay vỏ dừa chặt khúc. Nếu giá thể là xơ dừa phải hạn chế số lần tưới nước, nếu không cây bị thối vì quá ẩm. Tuy nhiên, giá thể than và vỏ dừa chặt khúc vẫn tỏ ra hiệu quả nhất.

Giá thể trồng Hồ điệp: Một cách trồng chung nhất cho các loại đơn thân là chậu thật thoáng, càng thoáng càng tốt, có thể đến mức cực đoan chỉ dùng chậu như giá thể duy nhất, tuy nhiên chỉ áp dụng cho nơi nào điều kiện ẩm độ ổn định, sự thông gió không đổi và nhất là tiểu khí hậu thật điều hòa. Do đó chậu phải thật sạch, không có dấu vết của bất kỳ loài rêu nào bám trên thành chậu. Thường các nhà trồng lan dùng than, vỏ dừa chặt khúc, dớn mềm mà bên dưới chậu có thể thêm xốp nhân tạo tạo độ thoáng làm giá thể cho Hồ điệp. Với cách trồng này, khi cây đã thích nghi sẽ phát triển mạnh trong tương lai và trong chậu hình như không có một cái rễ nào bị thối.

Giá thể trồng Vanda: Vanda là một loại lan không có mùa nghỉ, một biến cố khô hạn rất dễ làm các loài giống này rụng hết phần lá gần gốc. Tuy nhiên, ẩm độ cục bộ trong chậu quá cao dễ làm cho các rễ bị thối. Vì thế, cấu tạo giá thể thật thoáng cho các loài thuộc giống Vanda và Ascocenda là điều kiện bắt buộc. Việc duy trì ẩm độ ổn định là cố gắng của các nhà vườn thông qua sự tưới hàng ngày.

Giá thể cho Mokara: Mokara thường được trồng thành liếp dưới đất, chất trồng bằng vỏ đậu phộng khô với độ dày khoảng 10 – 15 cm ban đầu, sau thời gian vỏ đậu phộng xẹp xuống có thể bổ sung thêm vỏ đậu phộng để tạo lớp nền cho rễ lan bám xuống.

Giá thể trồng lan Oncidium: Tương tự như trồng Dendrobium, chất trồng có thể là vỏ dừa chặt khúc, than.

Giá thể trồng lan Paphiopedilum: Paphiopedilum là loài lan đất nên giá thể gồm 2 phần tro trấu, 1 phần đất mùn + 1 phần phân bò hoai + 1/20 bánh dầu xay nhuyễn, có thể tưới thêm phân NPK 30-10-10, tưới 2 lần/tuần trong suốt mùa tăng trưởng.

Giá thể cho Cymbidium: gồm 1/2 dớn + 1/2 vỏ thông hay 1/3 dớn + 2/3 vỏ thông. Ánh sáng 50%. Tiêu chuẩn một giá thể tốt cho Cymbidium là: giữ ẩm tốt, thoáng khí, chậm phân hủy, chứa nhiều dinh dưỡng, rẻ tiền, dễ kiếm và trữ lượng cao trong tự nhiên, pH giá thể từ 6,5 – 7,0.

Các loại vật liệu có thể dùng làm giá thể: dớn, dớn sợi, vỏ thông, mùn cưa, xơ dừa, than vụn, gạch, đá vụn, lá cây mục… Cho đến nay, dớn vẫn là loại tốt nhất cho Cymbidium vì giữ ẩm cao, thông thoáng, giàu dinh dưỡng (nhất là K và N), chậm phân hủy. Nhưng hiện nay trữ lượng dớn ngày càng ít đi, giá khá đắt và việc khai thác dớn làm hư hại nhiều cho các khu rừng già. Để nuôi trồng Cymbidium ở quy mô lớn, dớn sẽ không đáp ứng đủ.

Vỏ thông và mùn cưa là một loại giá thể có thể đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật và kinh tế nhưng lại nghèo dinh dưỡng. Vỏ thông và mùn cưa tươi không dùng được vì hàm lượng dầu còn cao, có thể làm hư bộ rễ. Trước khi sử dụng cần phải ủ cho hoại mục. Khi ủ, trộn 1 m3 vỏ thông xay nhuyễn với 10 kg apatit, 10 kg vôi, 1 kg các loại phân vô cơ khác (KCl, K2SO4) thời gian ủ trên 6 tháng. Trong khi ủ cần tưới ẩm thường xuyên. Có thể dùng vỏ thông thuần túy hay trộn với các loại khác như dớn, than vụn, gạch vụn để làm giá thể.

cac-loai-gia-the-trong-lan-thong-dung-o-viet-nam-11 Các loại giá thể trồng lan thông dụng ở Việt Nam

– Góc chia sẻ kinh nghiệm

Là một người trồng lan tại nhà, chất trồng tôi thấy tốt nhất là than củi hay gọi là than hoa, ra chợ mua một túi 10kg hết khoảng 80.000đ, với số lượng này thì bạn có thể trồng được hàng chục giò lan, than hoa có đặc tính hút nước giữ ẩm, giữ phân bón lại luôn thông thoáng không mục nát, không nấm mốc, nếu bạn là người cẩn thận có thể ngâm than hoa với nước vôi trong khoảng 1 ngày rồi đem trồng để yên tâm diệt hết các mầm bệnh trong than bị nhiễm trong quá trình vận chuyển.

Còn với các dòng Hoàng thảo hay Giáng hương ghép gỗ tôi chọn gỗ nhãn, những loài ưa ẩm tôi sẽ để nguyên vỏ để chúng giữ nước tốt, những loại ưa khô sẽ bóc vỏ để nhanh thoát nước, chọn những khúc gỗ là các đoạn cành cây có độ to vừa phải, đường kính tối đa 10cm trở xuống, cỡ cốc uống nước là vừa vì gỗ nhãn khá nặng sẽ ảnh hưởng đến khung treo của vườn lan.

Các khúc gỗ sau khi được cắt tỉa tạo hình, khoan lỗ để luồn dây qua (tôi chọn khoan lỗ vì khoan lỗ an toàn hơn là đóng đinh rồi buộc dây, khi bạn buộc dây vào đinh sau một vài năm ngoài trời bị nước mưa rồi phân bón làm đinh gỉ thì khả năng giò lan đẹp của bạn sẽ bị rơi bất kỳ lúc nào). Khúc gỗ nhãn phải được rửa sạch, bạn có thể phun lên đó các loại thuốc diệt nấm để phòng bệnh và diệt các mầm bệnh trên khúc nhãn, tôi nghĩ thêm đươc một cách là đốt khúc gỗ trên ngọn lửa, nhiệt độ cao cũng giúp chúng sạch bệnh lại không lo tác hại của thuốc lên da người chăm sóc.

Đối với các dòng địa lan bạn có thể dùng xỉ than tổ ong, với lan hài bạn có thể dùng 100% là xỉ than, với các dòng địa lan khác như tứ thời, mạc biên, sa tô, địa lan mộc châu, đông lan, hoàng lan, hạc đính, chu đỉnh, lưỡi cọp … tôi đang trung thành với công thức: 1 phần đất (đất sạch ngoài ruộng lấy càng sâu càng tốt) + 1 phần vỏ trấu + 1 phần xỉ than tổ ong + 1 vài nắm phân lân loại màu đen, chúng trồng trong đó phát triển rất tốt, sạch bệnh và năm nào tôi cũng có hoa địa lan để chơi Tết.

Tổng hợp

Check Also

Đánh bóng lá lan

Mang lan đi triển lãm, trưng bày mà lá lan bụi bậm, mốc meo hoặc …