Cụ Mộng Tiên là người trồng địa lan giỏi. Dân sành lan, không mấy ai không biết. Họ thường tới vườn của nhà cụ ngắm nhìn những chậu địa lan quí cho đã mắt.
Bởi cụ còn lưu giữ được nhiều giống địa lan quí hiếm như Đại mặc, Cẩm tố, Thanh ngọc, Hoàng vũ, Đại kiều bạch ngọc… Trong đó có cả chậu lan truyền đến cụ vừa đúng năm đời. Nghĩa là, chậu địa lan này có từ thời kỵ của cụ Mộng Tiên. Vì vậy nó có giá lắm. Nhiều người sành chơi địa lan ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình đã tìm đến nhà cụ xin mua một vài thân nhưng cụ nhất quyết không bán. Cụ sống ung dung, thanh đạm. Thường ngày lấy việc chăm sóc mấy chậu địa lan làm niềm vui tuổi hạc. Người làng bảo, cụ giáo tên là Tiên có khác. Trông cụ đẹp như tiên. Cụ cười tủm tỉm, nói nhỏ nhẹ:
– Sinh thời, mẹ tôi bảo, khi có mang tôi, bà nằm mộng thấy tiên. Nên đặt tên tôi như thế. Chứ tôi có là tiên tiếc gì đâu.
Người làng lại bảo:
– Cụ giáo là người. Người bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Nhưng phong thái cốt cách cụ đẹp như Tiên.
Cụ giáo Mộng Tiên cười mủm mỉm. Có ý hàm ơn sự khen ngợi của dân làng.
Bây giờ cụ giáo Mộng Tiên đang gần đất xa giời. Tuổi hạc của cụ chỉ còn tính từng ngày. Bệnh viện người ta đã bó tay. Đã bảo đưa cụ giáo về nhà bồi dưỡng. Người cụ giáo chỉ còn da bọc xương. Sau những cơn đau dữ dội, nôn mửa cả mật xanh mật vàng, cụ giáo nằm thiêm thiếp một lát. Rồi cụ lại cố gắng gượng dậy, đưa tay sờ từng lá địa lan, lau chùi nó, vuốt ve nó! Từ hôm cụ phải nằm chỗ, đi bệnh viện thì thôi, chứ ở nhà, chậu địa lan cụ yêu quí nhất, được khiêng vào, đặt lên cái đôn sứ cổ, bốn mặt có bốn con voi, kê gần đầu giường cụ, nơi giáp với bàn thờ tổ tiên. Chậu địa lan trông bình thường giản dị thế này thôi, nhưng nó đã gắn bó với gia đình cụ giáo từ thời cụ nội cụ. Nó cũng đã bốn lần mang vành khăn tang tiễn đưa cụ, ông, bố của cụ ra tận nơi an nghỉ cuối cùng. Vậy mà người ngoài cuộc, người không am hiểu địa lan làm sao có thể thấu hiểu nỗi lòng cụ. Có khi, lại còn cho là cụ sống lập dị nữa kia.
Cụ giờ cứ mong từng ngày từng giờ được về hầu tổ tiên để đỡ khổ con, khổ cháu. Hơn tám mươi tuổi giời, cụ giáo thấy mình chẳng có điều gì phải ân hận. Học trò cụ có nhiều người thành tài. Giáo sư, tiến sĩ, thứ trưởng, bộ trưởng đều có cả. Cụ chỉ còn hiềm một nỗi, dao sắc chẳng thể gọt được chuôi. Thằng cháu đích của cụ học hành chẳng đến nơi đến chốn. Hết lớp mười hai nó bỏ, xin đi học lái xe. Âu cũng là giời định. Cha mẹ sinh con trời sinh tính, biết làm thế nào. Chứ có phải đâu cụ không rèn dũa, không chăm chút, không nghiêm khắc với cháu. Cứ nghĩ đến cháu là cụ giáo chả thiết sống, thiết ăn. Bố mẹ nó an ủi cụ: nghề nào cũng quí. Nữa là cháu nó không vi phạm đạo đức xã hội.
Vẫn biết là như thế. Nhưng cụ cứ cảm thấy lòng dạ chưa yên. Ngót năm nay, cụ để ý, chậu địa lan quí, thỉnh thoảng lại bị đánh tỉa một thân. Chả phải hỏi, cụ cũng biết thằng cháu lấy. Hoặc dân chơi lan, gạ gẫm giả nó với giá cao. Hoặc nể nang, cho bè bạn. Hoặc nó đem biếu sếp. Thôi thế cũng còn tàm tạm. Cụ giáo cũng chẳng còn sống được mãi mà khư khư giữ lấy chậu lan. Dù cho chậu địa lan ấy có là gia bảo gia bối, gia gia gì đi nữa. Việc gì của thế hệ sau phải do thế hệ sau lo, thế hệ sau giữ gìn chứ.
Cụ giáo mỏi mệt, kiệt sức sau những cơn đau. Cụ nhăm nhắm mắt, nằm thở khò khè.
Bà con thân tộc bè bạn đến thăm hỏi cụ giáo rất đông. Ai cũng muốn đến bên giường cụ, hỏi thăm cụ một câu và được nghe tiếng cụ trả lời. Vợ chồng người con trai cả, tức ông bà giáo Gia Phong thay nhau túc trực, tiếp đón khách khứa và đỡ lời thay cho bố.
Những người trong hội chơi lan chỉ lo cụ giáo không vượt qua được cơn bạo bệnh. Họ sẽ mất một người bạn chân tình, tận tâm chỉ bảo, hướng dẫn họ cách trồng lan, chăm lan và bình lan. Chơi lan mà không hiểu biết về lan thì… thật là… còn biết nói gì thêm nữa.
Cũng có người mong được cụ giáo giao chậu địa lan quí cho mình. Xin cụ cho mình là người thừa kế số một chậu địa lan. Bao nhiêu tiền cũng được. Mặc dù, cụ chẳng thiếu tiền. Đất thổ cư cha ông để lại cho hàng ngàn mét vuông, cụ giáo đã phải bán mất mét nào đâu. Thời nay, giá đất lên ầm ầm. Lên chóng mặt. Cụ giáo chỉ cho con cháu bán dăm chục mét là có bạc tỷ. Cụ đã túng quẫn đến mức nào mà phải bán đất của tổ tiên và chậu địa lan truyền đời. Xin được thừa kế ư? Xin được chăm sóc chậu địa lan thay cụ ư? Sao họ khéo thế. Khéo quá, hoá miệt cụ. Nào cụ giáo có hết con, hết cháu đâu. Thế mới biết, cái thú chơi cũng lạ. Đâu phải có tiền là mua tiên cũng được. Chả thế, ông Minh Mạng làm vua quãng thời gian 1820 đến 1840, ông ta mê địa lan quá. Ông ta muốn gom tất cả các thứ địa lan quí hiếm trong thiên hạ vào vườn thượng uyển của mình, với lý do, địa lan là loài cây cao quí nên chỉ vua mới được chơi, còn các quan đại thần chỉ được chơi cây thế, cây trà.
Ông ta lại đặt thêm chức quan Tầm lan và chức quan chăm lan. Chức quan Tầm lan và chăm lan này, dứt khoát phải bổ nhiệm người ở đất Bắc Hà. Mà Bắc Hà thì lại chỉ có người ở Xứ Đoài, xứ Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ và kinh thành Thăng Long cũ. Bởi dân ở các xứ này còn lưu giữ được nhiều loại địa lan quí và biết chơi lan, chăm lan, thuộc tính từng loại lan. Ông quan Tầm lan có nhiệm vụ lặn lội đi khắp chốn thung sâu, rừng hiểm sưu tầm, chọn lựa các thứ địa lan quí đem về kinh đô Huế ươm trồng trong vườn thượng uyển. Lúc mỏi mệt, khi thanh nhàn nhà vua ra ngự ngắm từng cái lá địa lan đã thấy sự kì thú, huyền bí của tạo hoá. Địa lan cũng như con người chăng? Khi khoẻ, khi yếu, lúc vui, lúc buồn đều biểu hiện lên mặt lá. Cả trăm chậu, nghìn chậu địa lan là cả trăm chậu, nghìn chậu có hình dáng, màu sắc lá khác nhau. Thoạt nhìn, thấy lá địa lan nào cũng giống nhau, y như con người giống con người vậy. Nhưng nhìn kĩ, chúng rất khác nhau. Khác nhau đến từng cuống lá, ngọn lá, đường gân và màu sắc. Có lẽ vì vậy mà Đức Thánh Khổng gọi địa lan là thứ cây vương giả chăng?
Ấy là chuyện của người xưa, ngày xưa. Còn chuyện của ngày nay.
Từ khi biết cụ giáo có chậu địa lan quí, chẳng mấy ngày khách tầm lan không tìm đến. Ai đã đến, đã nhìn tận mắt, đã sờ tận tay vào lá địa lan nhà cụ là đều muốn cụ để cho một vài thân. Có người tận Nam Định, Thái Bình, tận Sơn Tây tìm đến. Nếu cụ ghi tên họ vào sổ sách hẳn cụ có cả bảng danh sách thật dài. Thế mới biết dân chơi thật cầu kì. Bây giờ, đời sống khá hơn, nhiều nhà rủng rỉnh đồng vào đồng ra. Do vậy, họ muốn chơi sang. Đã sang thì vườn nhà phải có dăm ba chậu địa lan thật quí. Càng quí hiếm, càng tỏ cho thiên hạ, cho dân chơi biết mình là thế nào. Cụ giáo Mộng Tiên bật cười một mình. Cụ nghĩ, cũng là một thứ trưởng giả mới đấy thôi. Cho nên cụ không tin cậy, không bán cho một ai cũng là hợp với lẽ đời.
Ấy, cụ giáo bệnh trọng bấy lâu phải nằm bẹp một chỗ mà cũng được biết hết bao nhiêu chuyện của dân chơi địa lan. Họ đến thăm cụ. Họ nói với nhau. Cũng là nói với cụ. Họ bảo, chơi địa lan lớn nhất bây giờ phải kể đến nhà ông Sơn Anh ở gần sân vận động Thiên Trường, Nam Định. Ông ta chỉ chơi tinh một loại địa lan Hoàng Vũ. Các loại Hoàng Vũ ở vườn nhà ông ta có hết. Người ta chơi mỗi chậu Hoàng Vũ ba bốn thân là nhiều. Còn anh ta, mỗi chậu phải chục thân trở nên. Mỗi thân bỏ rẻ cũng bảy tám trăm ngàn. Cả vườn Hoàng Vũ nhà ông ta trị giá lên đến hàng tỷ bạc cơ mà. Chết chết! Họ thừa tiền có khác.
Lại vẫn dân chơi địa lan đồn rằng, cái vườn lan nhà ông Hoàng Gia Cung ở Đồ Sơn cũng chả kém. Hàng trăm chiếc đôn và chậu bằng sứ Giang Tây màu men ngọc đã ối tiền rồi. Nhà ông Cung mới khiếp chứ. Ông ta không dùng đồng tiền để khoe mẽ như người khác mà theo dấu chân các bạn địa chất, lặn lội khắp nơi để tầm lan. Ông ta lên tận Đà Bắc, Hòa Bình, xuống đò ngược sông Đà mấy ngày đêm liền mới kiếm được vài thân địa lan thuộc một trong bốn loại được người Trung Quốc xưa xếp vào Tứ đại Thiên vương như Tống Mai, Tập Viên. Theo họ đó là bốn loại địa lan quí hiếm nhất. Ông Cung phấn chấn khẳng định với khách đến thăm vườn rằng, không phải chỉ ở rừng Vân Nam, Phúc Kiến…
Trung Quốc mới có thứ lan quí ấy mà ngay ở rừng ta cũng nghiêng ngửa chẳng kém. Chỉ vì ta chưa tích cực tầm đấy thôi. Vẫn cái nhà ông Hoàng Gia Cung ấy lại ngược một chuyến đi Nà Rì, Bắc Cạn, mang về được thứ địa lan Thanh Cẩm tố. Thanh Cẩm tố, nghĩa là cánh hoa xanh. Vậy thì quí lắm. Từ cha sinh mẹ đẻ, cụ giáo chưa nhìn thấy cẩm tố xanh bao giờ và cũng chưa nghe ai nói đến. Và vẫn cái nhà ông Cung này bỏ cả cái phép năm gần chục ngày về Yên Tử. Ông Cung nhờ hai bố con người thợ rừng cơm nắm, mắm đùm vào mãi thung sâu, đi mất bốn ngày, về mất bốn ngày, mỗi ngày trả cho mỗi người ba chục ngàn đồng, đồ ăn đường, tăng võng. Ông Cung chịu hết. Sau bảy ngày cả đi cả về, bố con người thợ rừng gánh về cho ông ta hai gánh địa lan.
Ông Cung đem về Đồ Sơn, chăm bẵm, tưới tắm ba bốn năm trời mới chọn ra được mấy thân Hoàng Cẩm tố còn toàn là lan chợ, bỏ đi bằng hết. Quí hồ tinh, có khác. Khéo cả nước ta, chỉ nhà ông Cung là có Tứ đại Thiên Vương Hoà Bình; Thanh Cẩm tố Bắc Cạn và Hoàng Cẩm tố Yên Tử. Cụ giáo nghe họ kháo, họ chưa được nhìn thấy lan Tứ đại Thiên vương, thấy Thanh Cẩm tố, còn Hoàng Cẩm tố Yên Tử thì thấy rồi. Lan Hoàng Cẩm tố Yên Tử thơm rất đậm và toả ra xa lắm. Nhà ông Hiếu rỗ ở Hạ Đình, ghé tai cụ, nói: “Cháu tận mắt nhìn thấy Hoàng Cẩm tố nhà ông Hoàng Gia Cung rồi. Còn các thứ kia, không được nghe ông Cung giới thiệu. Hương hoa Hoàng Cẩm tố Yên Tử thơm “dã man” lắm cụ ạ”.
Cụ giáo chợt nghĩ, cái nhà ông này, nói thế cũng được ư? Dù hương địa lan Hoàng Cẩm tố, có thơm đến mấy, cũng chả nên dùng từ thô thiển ấy gọi cho nó. Người Việt mình thiếu gì từ hay, từ đẹp kia chứ. Cụ giáo Mộng Tiên cứ tiếc mình chẳng còn khoẻ nữa. Nếu không, nhất định vào mùa xuân tới, cụ sẽ đi xe chất lượng cao đến tận nhà ông Hoàng Gia Cung để tận mắt nhìn, tận mũi ngửi hương Hoàng Cẩm tố Yên Tử và Thanh Cẩm tố Bắc Cạn, Tứ đại Thiên vương Hoà Bình… Có lẽ cả nước ta chỉ độc nhà ông Cung là có mấy thứ địa lan cực quí, cực hiếm này. Ông Hoàng Gia Cung chơi địa lan từ bao giờ, cụ giáo Mộng Tiên không rõ. Cụ cũng chưa biết mặt ông Cung. Nhưng dòng họ Hoàng Gia thì cụ biết. Đó là một dòng họ quyền uy ở đất Đồ Sơn…
Càng ngẫm, cụ giáo Mộng Tiên càng thấy dân nghiền lan ghê thật. Chả thế, họ chết mê, chết mệt chậu địa lan gia truyền nhà cụ cũng là phải. Họ trả. Họ chả mua được thì ngắm, thì sờ cho đã cái con mắt, cho thoả chút lòng say lan quí vậy. Còn không phải dân chơi lan nhìn vào địa lan thấy cây nào chả giống nhau. Lá như lá cỏ lau, cỏ lác. Nhưng dân chơi lan, thoáng nhìn chậu địa lan truyền đời của cụ giáo Mộng Tiên là thấy khác biệt lắm. Bình thường địa lan mỗi thân chỉ ra ba hoặc bốn lá thôi. Đằng này địa lan nhà cụ ra những sáu lá kia. Thân lá dựng đứng vuốt cao, xanh đen, bóng láng trông mới kiên cường, bất khuất làm sao. Chậu địa lan này phải đặt chậu Hoàng Vũ, mới thấy hết cái đẹp. Hoàng Vũ lá cong tự cánh cung, uyển chuyển như gió. Như vậy vừa có cương vừa có nhu.
Chơi địa lan, chơi lá là chính. Lá càng lạ càng quí. Một năm chỉ có một tháng chơi hoa còn những mười một tháng chơi lá cơ mà. Còn hoa thì khỏi nói chưa một thứ hoa địa lan nào sánh được với hoa chậu lan quí nhà cụ. Giò hoa thẳng tắp, vút cao như thân trúc quân tử. Mỗi giò có từ mười sáu đến mười tám bông. Nụ hoa căng mọng tựa nhộng tằm mới nở. Cánh hoa, lưỡi hoa trong như ngọc. Giống như đặc tính của các loài hoa địa lan, hương hoa lúc ẩn, lúc hiện, lúc có lúc không? Nhưng khác ở chỗ, hương hoa địa lan gia truyền nhà cụ toả rất xa. Mùi thơm thanh đậm đến kỳ lạ, đến giật mình khiến người bộ hành sững người, sửng sốt, dừng chân, thiếu nữ căng ngực, hít thở vào không khí. Nhưng lúc ấy mùi thơm kì diệu thoắt biến mất. Ta đi tìm, ta chẳng thấy. Ta chẳng chú ý tìm thì hương lại ập tới.
Dân chơi địa lan ham lắm. Đến cái ông người Tàu ở Phúc Kiến, tự giới thiệu là nhà địa lan học cùng với người bạn tìm đến nhà cụ. Ông ta xem lan, ngửi hương lan rồi lại mở từ điển về địa lan ra xem. Ông ta bút đàm với cụ cả tiếng đồng hồ. Rồi ông ta hỏi mua. Dĩ nhiên cụ không bán. Cụ nghĩ, người nước mình, mua cụ còn chả bán nữa là người Tàu. Ông ta bảo, chậu địa lan nhà cụ là lan chúc phúc, mừng tuổi, đắt ngang với giống Mão Đạt Ma đẹp nhất của xứ Đài Loan kia. Nghĩa là giá thành lúc ấy phải một vạn Đài tệ (1.000.000) một thân. Vậy mà ông ta chả giả cụ chưa được một phần ba giá ấy. Trước khi chia tay, ông ta viết thêm một dòng khen địa lan nhà cụ là “Thiên hạ đệ nhất hương” Cụ vẫn còn giữ lại mấy chữ ấy đây. Chả vậy cụ tứ đại nhà cụ mê mẩn đến mụ người vì chậu địa lan này.
Truyền rằng, năm cụ tứ đại vừa cưới vợ vào cữ đầu tháng mười ta thì quãng hăm nhăm, hăm sáu tết cụ đi chơi với bạn lên làng Nghi Tàm và trông thấy chậu địa lan này. Cụ như bị hút hồn. Cụ mê mẩn không tài nào dứt ra nổi. Cụ hỏi giá bao nhiêu. Chủ nhà bảo giá phải từng ấy, từng ấy. Cụ bất ngờ đến giật mình. Lần đầu tiên cụ bắt gặp loại hoa kỳ diệu này. Và cũng lần đầu tiên cụ nghe người ta phát giá đắt tới mức không còn tin ở tai mình nữa. Cụ thấy mình chẳng có khả năng mua. Nhưng cụ cũng không thể nào quên được chậu địa lan ấy, mùi hương ấy. Cụ sinh ngơ ngẩn như kẻ tương tư. Người vợ trẻ thấy lạ. Nàng cứ tưởng cụ bị ma ám. Dỗ dành, gặng hỏi mãi xem chồng đi chơi với bạn những đâu, có trót tè vào cây đa, cây đề nào không? Hoặc là ma làm. Hoặc thần linh quở trách. Mình nói với em để em còn lo cúng vái, chạy chữa. Để lâu thành bệnh thì nguy mất. Giọt máu của mình đang lớn dần trong bụng em đây. Rồi con mình biết trông cậy vào ai. Và cụ bà oà khóc.
Cụ ông bối rối, cụ bảo, cụ chẳng bị thần linh, ma mãnh nào ám cả. Cụ mắc bệnh mê chậu địa lan. Cụ bà thở phào, sung sướng đến nhẹ nhõm. Cụ bảo: Tưởng gì. Khiếp, mình làm em lo quá. Đôi hoa tai của em đây. Mình đem bán mà mua. Mình thích nó, mê nó cũng như em thích em mê. Cụ ông gạt phắt đi: Của hồi môn của mình, tôi đâu nỡ thế. Mặc cho cụ bà gặng ép mãi. Cụ ông vẫn không nghe. Sớm hôm sau, nhìn thấy trong chuồng nhà mình có con lợn ỉ rõ to, rõ béo, cụ tứ đại mừng như bắt được bạc. Bởi có phải băm bèo nấu cám, cho lợn ăn hàng ngày đâu mà biết nhà mình có lợn to hay bé. Nhân lúc bố mẹ về quê ngoại ăn giỗ, cụ gọi lái đến bán phắt đi. May sao số tiền bán con lợn ỉ vừa đủ mua chậu địa lan. Bố mẹ giận lắm. Dẫu cụ đã có vợ, đã là một cậu cử hẳn hoi vẫn bắt cụ nằm úp mặt xuống nền nhà, đánh. Cụ bà thương chồng, quì xuống xin bố mẹ:
– Chồng con sai, con có lỗi vì không khuyên giải được chồng. Xin bố mẹ đánh con. Con đã bảo nhà con lấy đôi khuyên vàng của con đem bán lấy tiền mà mua. Nhưng nhà con nhất quyết không nghe. Nhà con nói: “Tôi không có mặt mũi nào làm như thế”. Bây giờ nhà con trót dại. Con xin dâng đôi hoa tai lên bố mẹ để bù vào tiền lợn.
Bà mẹ chồng nhìn cô con dâu đã ươn người, cổ ngẳng, nổi gân xanh lại biết phép tắc, gia phong, nghĩa cử với chồng thì thương ứa nước mắt, vội giữ chặt cái roi trên tay chồng, nói:
– Vợ chồng con biết lỗi rồi, chúng ta tha.
Chậu địa lan được chăm sóc giữ gìn, truyền đến tận bây giờ. Cụ giáo Mộng Tiên từ hôm nằm chỗ, cụ bảo con cháu bê chậu địa lan đặt cạnh đầu giường. Qua cơn đau, cụ giáo thiếp đi một lát là lại mở mắt, nghiêng người, vươn tay, sờ mó vuốt ve từng cái lá.
Người đời, dẫu là kẻ chơi lan, mê địa lan quí đến mấy thì đã mấy ai hiểu thấu nỗi lòng cụ giáo Mộng Tiên đối với báu vật của tổ tiên để lại.
Tuân theo lời dặn của cha, khi cụ giáo qua đời, ông giáo Gia Phong đặt chậu địa lan lên nhang án và không quên buộc cho nó một dải khăn sô. Khi đưa ma cụ giáo ra đồng, chậu địa lan cũng được con cháu khiêng theo xe tang.
Ấy vậy mà chậu địa lan chỉ còn được ở nhà cụ giáo có vài hôm. Bởi chôn cất cho cụ giáo mồ yên mả đẹp, con cháu cụ lo cúng ba ngày. Xong, mọi người mệt quá, lăn ra ngủ. Tỉnh dậy, ông giáo Gia Phong mới sực nhớ đến chậu địa lan gia bảo. Ông cuống quít hỏi vợ, hỏi con:
– Chậu địa lan đâu nhỉ? Có ai nhìn thấy chậu địa lan đâu không?
Cậu con trai ông giáo Gia Phong, nói nhát gừng:
– Bố làm cái gì mà ầm ĩ thế. Cho đi ở rồi.
Ông giáo nổi giận, run run đôi môi, quát:
– Mày! Mày!
Cậu con cho tám đầu ngón tay vào hai cái túi quần bò trước bụng vừa thủng thỉnh đi ra ngõ vừa nói:
– Vớ vẩn!
Truyện ngắn của Dương Duy Ngữ