TP – 27 tuổi, Phạm Trường Sơn có kinh nghiệm sưu tầm, chăm sóc hoa lan hơn 12 năm và sở hữu khu nhà lưới trồng hoa rộng 800m2 cho nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Say mê nhân giống lan
18 tuổi, Phạm Trường Sơn bắt đầu gây dựng vườn lan khoảng 80m2. 5 năm đầu chủ yếu là sưu tầm, mày mò học cách chăm sóc, nhân giống lan. Do chưa nắm được đặc tính của từng loại, đặc biệt là lan quý hiếm; không biết cách phòng trừ sâu bệnh nên có thời điểm cây chết nhiều hoặc còi cọc, ra hoa ít. Không nản lòng, anh Sơn tìm đến những người giàu kinh nghiệm để học hỏi hoặc kiếm thông tin về cách trồng và chăm sóc lan qua mạng Internet.
Để có vốn đầu tư vườn lan, anh Sơn trồng cây chè tiên bán cho người ta tẩm ướp tạo nên loại chè hảo hạng có hương vị riêng. Mỗi năm trồng 8 lứa, mỗi lứa lãi vài triệu đồng; đồng thời chăm bón cà phê cùng với gia đình. Và để có bộ sưu tập hàng chục loại lan, trong đó không ít loại lan quý, hiếm, anh dày công sưu tầm, mua bán, trao đổi cùng những người chơi lan.
Khu nhà lưới trồng hoa lan khá quy mô của mình ở thôn Tân Bình 1, xã Lộc Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng xanh ngút ngát với hàng ngàn gốc lan, hàng vạn hom giống phong lan, trong đó có loại nguy cơ bị tuyệt chủng cao như Kim điệp, các giống hiếm gặp như Giả hạc Pháp, Giả hạc Di Linh… Những giò Kim điệp đặc trưng của miền đất Tây Nguyên sum suê, tươi tốt; mỗi giò nở hàng trăm đóa hoa vàng rực cả góc vườn và tỏa hương thơm dìu dịu.
Giả hạc Pháp thân màu tím, lá hình thoi, hoa 5 cánh màu hồng với gân hoa lạ mắt, lưỡi màu đậm hơn, mùi hương thoang thoảng. Nhành lan có thể dài trên 1m và rất sai hoa, bền màu, nở vào khoảng tháng 2 âm lịch và kéo dài cả tháng mới tàn. “Giả hạc Pháp rất được ưa chuộng vì có sức sống mãnh liệt, sắc hoa quyến rũ. Mặt khác nhiều người tin rằng loài hoa này có thể mang đến sự hưng thịnh, vui vẻ cho gia chủ”, anh Sơn nói.
Bén duyên với lan rừng Úc
Những năm gần đây, lan Úc được người Việt ưa chuộng. Đa số người chơi lan mong muốn có vài giò hoặc bụi lan của Úc, đặc biệt là loài phong lan Dendrobium thân khỏe, hoa nhiều, xinh tươi và tỏa hương thơm ngát. Dendrobium có tới 1.500 giống, trong đó có những giống rất độc đáo được chọn làm biểu tượng cho các địa phương trên thế giới. Anh Sơn mê nhất là loại lan rừng Dendrobium nobile nở hoa khá to màu trắng phơn phớt hồng với đầu cánh màu hồng tía, môi hoa cũng trắng hồng, họng có đốm lớn màu nhung đen viền vàng thật sang trọng, quyến rũ. Giống này không chỉ đẹp mà còn hiếm do bị săn lùng ráo riết để làm thuốc.
Qua tìm hiểu, anh Sơn được biết cách đây khoảng 30 năm, một người ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã mang vài mầm cây từ Úc về rồi gây dần ra. Anh liền mua vài mầm về trồng và thật may mắn loại lan này rất thích hợp với khí hậu ôn hòa ở Bảo Lộc. Sau hai năm trồng thử nghiệm, anh đã nắm vững tập tính sinh trưởng của cây và có quy trình chăm sóc phù hợp, từ việc bón phân, phun thuốc đến kỹ thuật hãm cho hoa nở đúng thời điểm. Từ chỗ chơi lan để giải trí, anh Sơn chuyển sang kinh doanh loài lan này cùng với một số loài hiếm và độc đáo khác như Giả hạc Di Linh, Giả hạc Pháp…
Ngoài ra, anh Sơn cũng đến nhiều vườn lan ở huyện Đức Trọng và vùng lân cận để gom mua mầm giống loại lan Dendrobium nobile Úc nói trên với giá từ 5.000 – 7.000 đồng/mầm. Ai bán cũng mua hết cho đến khi họ không bán nữa thì thôi. Đồng thời đầu tư hơn 100 triệu đồng làm nhà lưới, lắp hệ thống tưới tự động áp dụng những bí quyết tích góp được để làm cho cây phát triển tốt, giảm sâu bệnh và ra hoa đúng thời điểm.
Chỉ cho chúng tôi xem giò Long tu (lan rừng Việt Nam) với những nhánh hoa dài trên dưới 80cm, anh Sơn cho biết phải nuôi 3 – 4 năm mới được như vậy; trong khi với Dendrobium nobile Úc, thời gian chăm sóc rút xuống chỉ còn 1/3. Long tu ra hoa khoảng 10 ngày thì tàn nhưng cây này ra hoa cả tháng, do đó không khó khăn gì trong việc thúc hoặc hãm cho hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam. Giá một nhánh hoa Dendrobium nobile Úc lên đến hàng trăm ngàn, có khi cả triệu đồng trong khi Long tu chỉ có vài chục ngàn.
Hoa đẹp lại hiếm nên nhiều người ở tận Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Lạt cũng đặt hàng, trồng không kịp để bán. Anh Sơn nghĩ ra phương án cho hiệu quả kinh tế cao hơn: Khống chế không cho cây ra hoa, cắt cành nhân giống để bán cho khách mang về trồng, mỗi mầm giống khoảng 10 cm có giá từ 12-14.000 đồng. Sau 1 năm, anh Sơn thu hồi được vốn đầu tư, năm vừa rồi lãi 120 triệu đồng và năm nay phấn đấu thu 200 triệu đồng chỉ riêng với loài phong lan Úc. “Về hiệu quả kinh tế, một sào lan đánh đổ một héc ta cà phê, công việc nhàn hơn nên tận dụng được nguồn nhân công nữ”, anh Sơn nói.
Trả lời câu hỏi vì sao không sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô cho nhanh, anh Sơn nói nhiều người đã thử rồi nhưng loại này nhân mô sẽ ra hoa màu khác, không đặc sắc như màu cũ; tỉ lệ cây sống chỉ khoảng 10 – 15% nên hiệu quả kinh tế không cao.
Theo Bí thư Thành Đoàn huyện Bảo Lộc, anh Vũ Hoàng Tập, đây là một trong những mô hình làm nông nghiệp mới, cho hiệu quả kinh tế cao, một hướng tốt để thanh niên học hỏi, lập nghiệp. Thành Đoàn Bảo Lộc đã tuyên dương gương điển hình sản xuất giỏi Phạm Trường Sơn.