Chi lan Calanthe có khoảng trên 200 loài địa lan, mọc tại Á châu, Phi châu, Trung Mỹ và Úc châu trong đó chỉ có một it loài nguyên thủy và vài loài lai tạo là được trồng tương đối phổ biến.
Theo “Lan Rừng VN: Từ A-Z” (Bùi xuân Đáng) tại Việt Nam có 24 loài. “Sách tra cứu tên cây cỏ Việt Nam” (Võ văn Chi) liệt kê 21 loài và “Từ điển Cây thuốc Việt Nam” (VvChi) chỉ ghi một loài có dược tính. Flora of China ghi nhận Tàu có 51 loài (trong đó nhiều loài cũng có tại VN).
Tên Calanthe, do tiếng Hy lạp: kalos = đẹp; anthos = hoa.
Theo Nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đáng thì GS Phạm Hoàng Hộ đã đặt tên cho loài lan này là Kiều lan theo ý nghĩa là hoa đẹp, và GS Trần Hợp gọi tên lan bầu rượu do giả hành hơi thắt ở giữa.(có tác giả viết về lan, còn gọi là..lan ‘tửu binh’, tuy nhiên cũng có những cây calanthe mà giả hành không..thắt ở bụng. Flora of China gọi nhóm calanthe dưới tên Xia chi lan (chuyển thành Hán- Việt : Xia = Hà (tôm), ji = tật, còn có thể là lương (?) = lưng).
Calanthe được xem là giống lan đầu tiên được các nhà thực vật lai tạo: Cây lan Calanthe Dominyl, lai tạo giữa Cal. Furcata x Cal. Masuta được Ông Domini một nhà thực vật tại Vielch tạo ra vào năm 1853, do sự cố vấn của GS Harris (Exeter, Anh)… Cây lan Calanthe lai tạo thứ nhì được ‘đăng ký’là cây Cal. Veitchii (lai tạo giữa Cal. rosea x vestita)…
Calanthe là loài lan rất được ưa chuộng tại Nhật, cây được nghiên cứu khá kỹ và gần như ‘hoàn chỉnh’ để lai tạo ra những loài tuyệt đẹp, nở hoa cả trong mùa hè.
- Đặc điểm chung:
Lan Calanthe có thể chia một cách đơn giản thành 2 nhóm: rụng lá và không rụng lá.
Những loài rụng lá, được nuôi trồng rộng rãi hơn, thường có giả hành lớn màu trắng bạc, lá to, mở rộng có gân. Lan mau tàn và thường chết vào năm thứ nhì. Vào những mùa Thu, Đông, trong thời gian cây nghỉ, cây trổ hoa (thường màu trắng hay tím), nở rải rác dọc theo một cành cao, uốn cong; cần hoa này mọc lên từ gốc của giả hành đã rụng lá. Những cây lai tạo thuộc nhóm này, có thể cho hoa màu màu đỏ thắm khá đẹp (như Calanthe Gorey X Grouville, hoa đỏ, bền, mọc trên một cần hoa dài đến 1 m)
Nhóm thứ nhì, có lá xanh quanh năm, không rụng thường là những loài nguồn gốc từ Nhật, Korea, Trung Hoa. Nhóm này có giả hành nhỏ, lá mọc thành tán trải rộng. Cành hoa mọc từ gốc, mang trên cần nhiều hoa sặc sỡ với những màu thường gặp là vàng, hồng, trắng, xanh..Những nhà trồng hoa tại Nhật đã lai tạo được nhiều chủng rất giá trị
Nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đáng trong “Calanthe R. Brown 1821” (hoalanvietnam.org) đã ghi lại về lan Calanthe như sau:
“…Củ lan Calanthe cao khoảng 5-10 cm, đáy hơi phình ra, đầu thu nhỏ lại và chỉ sống được trên một năm. Trên đầu củ mang từ 1 đến 4 chiếc lá to bản, dài chừng 30-50 cm, rộng 10-15 cm màu xanh nõn chuối. Lá lan thường vàng úa và rụng vào cuối mùa mưa hay vào thu khi trời bắt đầu lạnh. Sau một thời gian nghỉ ngơi, chồi hoa mọc ra từ đáy củ, cao từ 20 cm đến 1 m, có từ vài hoa đến 20 chiếc. Hoa thường có màu trắng, vàng đỏ hay hồng tùy theo giống, hoa đẹp nhưng không thơm thường nở vào mùa Xuân, nhưng cũng có khi vào mùa Đông. Khi hoa tàn, mầm non mơi, có khi là một hay hai mọc ra, nhưng cũng có khi mọc ra cùng một lúc với chồi hoa…”
Calanthe có dược tính tại Việt Nam:
- Calanthe triplicata
Calanthe triplicata: Kiều hoa xếp ba (PHH), Bàu rượu nếp ba (TH), Lan đất hoa trắng.
Tên tương đương: C.veratrifolia, Calanthe furcata, Orchis triplicata, Calanthe veratrifolia var. australis.
Tên thông thường: Christmas Orchid (Úc), Thrice Folded Calanthe
Trung Hoa (Flora of China): san zhe xia-ji lan; Nhật: tsuru ran
Mô tả: (Lan Rừng VN): “Địa lan, củ hình trụ, lá 5-6 chiếc to bản, mọc sát đất, dò hoa trên cao, đến 1 m, hoa 20-30 chiếc, to 2-3 cm”
Flora of China có thêm những chi tiết: Cây cao 40-100 cm, giả hành hình trụ-thuôn bầu, 1-3 x 1-2 cm, có 2-3 lá bẹ. Lá to không rụng thuôn dài hình mũi giáo 20-60 x 5-12 cm, nhám. Hoa thường màu trắng-tuyết, đôi khi đỏ tím chuyển thành vàng cam, và khi khô thành đen.
Theo Australian Tropical Rainforests Plants: Quả thuộc loại nang hình trứng hay thuôn thành ống dài chừng 4 cm, vỏ tách theo chiều dọc nhưng vẫn dính ở đáy và ngọn. Hạt rất nhỏ, có cánh; trong có phôi màu kem.
Calanthe triplicata phân bố rộng nơi rừng ờ cao độ 700-2400 m tại Ấn độ, Bhutan, Thái, Mã lai, Nam Trung Hoa, Đông Dương (Việt, Miên, Lào), Nhật, Indonesia, Philippines, Úc, Madagascar. Tại VN: gặp khắp Bắc, Trung, Nam.
Dược học dân gian Ấn độ dùng trị bệnh bao tử và ruột. Rễ phơi khô, nhai chung với hạt cau để trị tiêu chảy và kiết lỵ. Tại Indonesia, cây dùng đăp trị vết thương, nhai trị đau răng; hoa giã nát nhét vào hốc răng bị sâu.
Thành phần hóa học:
Các phân chất tại Khoa Dược, ĐH Sri Ramachandra (Tamil Nadu, Ấn độ) ghi nhận (1 gram dịch chiết chứa):
Phenol tổng cộng: 12-29 mg
Alkaloid tổng cộng: 18- 65 mg
Flavonoids: 57-90 mg
Tannins: 38-82 mh
Hàm lượng các hoạt chất thay đổi tùy theo dung môi dùng khi chiết xuất: Dịch chiết bằng ethyl acetate cho những kết quả cao nhất như phenol tổng cộng 29.43, tannins 82.92, alkaloids 65.34, flavonoids 90.24 (Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry Số 2-2014)
Dịch chiết bằng ethyl acetate có hợp chất flavonol 4H-pyran-4one, 2,3-dihydro-3,5-dihydroxy-6-methyl có hoạt tính chống sưng rất đáng kể.
Nghiên cứu khoa học:
Các nghiên cứu khoa học về Calanthe triplicata tập trung vào hoạt tính chống sưng của các dịch chiết từ toàn cây bằng các dung môi khác nhau bao gồm nước, petroleum ether, chloroform, ethyl acetate, methanol, thử nghiệm về khả năng an định màng tế bào hồng cầu và ức chế sự suy thoái protein ghi nhận khả năng chống sưng ở những nồng độ khác nhau, so sánh được với diclofenac (dùng làm chuẩn). Dịch chiết bằng ethylacetate (1000 microg/ml) được xác nhận là có hoạt tinh mạnh nhất (Journal of Pharma Research Số 2, 2013)
- Calanthe vestita
Calanthe vestita: Củ chuối (PHH); Bàu rượu tím (TH)
Tên tương đương: Calanthe grandifolia
Tên Việt khác: Lan củ chuối, củ súng; Lan bầu rượu tím
Mô tả: (VV Chi): “Cây thảo địa sinh, có lông nhung mềm ở tất cả các bộ phận, với giả hành hình cầu dạng củ to đến 6 x 4 cm mang rễ dài và dễ bẻ vỡ. Lá xuất hiện sau khi có hoa, phiến dài 45 cm rộng 10-12 cm, dạng mảng rất nhọn, cuống lá dài 10 cm, dẹp. Cần hoa cao 80 cm, mang hoa ở 10-13 cm về phia ngọn. Hoa trắng, hồng hay hơi tím…”
Lan Rừng VN: A-Z có thêm những chi tiết: ‘Địa lan, củ hình như quả bầu nậm, cao 6-8 cm, lá 3-4 chiếc dài 30-40 cm, rụng khi nở hoa. Dò hoa cao 70-90 cm có lông mềm; hoa 6-15 chiếc, to 6-7 cm, nở vào mùa Xuân.
Vùng phân bố: Myanmar, Thái lan, Mã lai, Indonesia, Việt Nam (vùng Đồng Nai : Trị an, Djarai, Chứa Chan)
Cây được tổ chức CITES xếp vào loại giới hạn mua bán để tránh bị tận diệt.
Củ dùng giã nát, đắp trị đau nhức xương.
- Calanthe lyroglossa
Calanthe lyroglossa: Kiều lan lưỡi hình đờn (PHH), Bàu rượu môi đàn (TH)
Tên tương đương: Calanthe liukinensic (tên thường dùng trong các nghiên cứu khoa học) C. forsythifolia. Alismorchis lyroglossa
Tên Trung Hoa: nan fang xia-ji lan (nan fang = nam phương)
Mô tả: (Lan Rừng VN: A-Z): “Điạ lan, lá mọc sát gốc, dài 40 cm, rộng 6 cm. Dò hoa cao 45 cm, hoa 25-30 chiếc, to 1 cm, có hương thơm, nở vào mùa Hè, Thu”
Chi tiết bổ túc (Flora of China): Cây cao 30-50 cm, Rễ ngắn. Giả hành thuôn bầu 2-3 cm. Lá 3-5 chiếc, không rụng, hình dao thuôn dạng mũi giáo 30-60 (có khi đến 100) cm x 3-8.5 cm, thô nhám. Hoa nhỏ màu vàng đổi thành đen khi héo.
Phân bố: Dọc ven suối trong rừng hay thung lũng, cao độ dưới 1500 m tại Đông-Bắc Ấn, Nhật, Nam Trung-Hoa (Vân Nam, Hải Nam) Nhật, Thái, Đông Dương (Việt, Miên, Lào).
Tại VN: gặp trong vùng Lai châu, Cao bằng, Lạng Sơn, đảo Phú Quốc.
Nghiên cứu khoa học:
Cây chứa nhiều hoạt chất phức tạp như calanthoside (loại indol), glucoindican, calaliukiuenoside, calaphenanthrenol; ngoài ra còn có tryptanthrin, indirubin, isatin và indican
Calanthoside khi bị thủy giải bằng men beta-glucosidase cho tryptanthrin, indirubin và isatin. (indirubin còn gọi là indigo red, một phẩm màu cũng có trong cây chàm: indigofera tinctoria)
Dịch chiết bằng methanol từ C. liukinensic và C. discolor cho thấy có hoạt tính tái tạo sự mọc tóc và giúp gia tăng sự lưu thông của máu nơi da. (Chemical & Pharmaceutical Bulletin (Tokyo) Số 46-1998)
Trypthanthrin, một alkaloid loại quinazoline, được ghi nhận là có khả năng ngăn chặn sự tạo nitric oxide và prostaglandin E2 nơi tế bào macrophage RAW 264.7. Hoạt tính ngăn chặn này có thể do ức chế tiến trình tổng hợp NO, và ức chế hoạt động của men cyclooxyganase. Do đó trypthanthrin có khả năng được dùng làm thuốc chống sưng. Ngoài ra tryptanthrin còn có hoạt tinh diệt vi khuẩn Helicobacter pilori khi thử cả in vitro lẫn in vivo nơi chuột bọ gerbil bị gây loét bao tử khi bị cấy vi trùng này (NPR, The Royal Society of Chemistry Số 19-2002) Vài loài Calanthe dùng làm thuốc khác:
Ngoài 3 loài Calanthe kể trên, còn có những loài được nghiên cứu về hoạt tính trị liệu và những loài được dùng trong thuốc dân gian:
- Calanthe arisanensis (Đặc hữu của Taiwan)
Những hợp chất ly trính từ cây bằng ethanol như Calaquinone A, B và C (thuộc loại phenanthrenequinone); Calanhydroquinones A-C, calanphenanthrenes có những hoạt tính diệt tế bào ung thư khi thử trong ống nghiệm (in vitro) trên các dòng tế bào ung thư phổi (A 549), ung thư nhiếp hộ tuyến (PC-3 và DU 145), ruột (HCT-8), vú (MCF7), thanh quản (KB), ung thư thanh quản đã kháng vincristine (KB-VIN) Liều IC50 được ghi nhận là < 0.5 microg/mL). Điểm đáng chú ý là các hợp chất trên có thể giúp cải thiện sự kháng thuốc của tế bào ung thư đối với thuốc trị ung thư paclitaxel (Bioorganics & Medicinal Chemistry Letters Số 18-2008).
- Calanthe dùng làm thuốc tại Ấn độ: Calanthe plantaginea và Calanthe puberula
Calanthe plantaginea: Rễ phơi khô, tán thành bột, uống với sữa để làm thuốc bổ và tráng dương.
Calanthe puberula: Kiều lan lá liềm, lan đất lá liềm, lan bầu rượu lông mềm.
Calanthe sylvatica: Kiều hoa rừng. Chang ju xia-ji lan (chang-du = trường cự). Nước chưng cất từ hoa dùng đắp và nhỏ mũi trị chảy máu cam.
Calanthe tricarinata: Lá, giả nát dùng đắp trị lở loét, ezema ngoài da. Củ và lá sắc làm thuốc bổ, tráng dương.
- Calanthe tại Nhật: Calanthe discolor
Tại những vùng rừng có khí hậu ấm áp tại Nhật, một số loài Calanthe đã được tìm gặp và sau đó nuôi trồng, phát triển và lai tạo thành những cây trưng bầy rất được ưa chuộng. Hai cây quan trọng nhất là Calanthe discolor và Calanthe sieboldii, một cây thứ ba, loại lai tạo C x bicolor cũng được sưu tầm đến mức gần như bị tuyệt giống.
Calanthe discolor, thuộc loại không rụng lá. Giả hành thường mang 2 lá ( có khi 4 lá) cỡ 10-30 X 5-10 cm. Giả hành nhỏ nằm dưới đất, tròn và có nếp, mọc thành chuỗi liên tục, trông giống như lưng tôm (tên tại Nhật là ebine = rễ dạng tôm). Cần hoa cao 15-35 cm, mang từ 5-20 hoa lớn chừng 3 cm, hoa hai màu: môi thường trắng có những đốm tím.
Calanthe discolor thường gặp trong khu vực từ Kyushu xuống đến vùng Nam Hokkaido.
(C. discolor cũng phân bố tại Trung Hoa và Korea. Một số dược tính được nghiên cứu chung với C. liukinensis)
- Calanthe sieboldii
Calanthe sieboldii lớn hơn C. discolor. Lá có hình dạng tương tự, to hơn có thể 15-40 cm x 8-12 cm. Cần hoa cao đến trên 45 cm, mang 5 đến 25 hoa màu vàng cỡ 3-5 cm., màu có thể vàng toàn diện đến vàng-chanh. Đài hoa và cánh hoa nhọn hơn C. discolor; môi chia 3 thùy, thùy bên rộng, thùy giữa hơi có nếp xếp. Hoa có mùi thơm dịu. Cây thường gặp tại vùng Tây Nhật, trong khu vực Kyushu đến Honshu..và tại Korea. Được xem là loài lan ‘tuyệt đẹp’ tại Nhật, thich hợp với tên ‘Kiều hoa’. Tên Tàu là da-huang hua xia-ji lan (đại hoàng hoa).
C. x bicolor là cây lai tạo tự nhiên giữa C. sieboldii và C. discolor, hình dạng rất giống với các cây ‘cha-mẹ’, chỉ hơi khác biệt ở màu hoa. Hoa thường màu vàng nhạt và nâu-đỏ. Đài và cánh nâu đỏ, môi vàng nhạt và có khi gần như trắng hay có khi vàng xậm.
Tại Nhật, còn có loài Calanthe reflexa, nở hoa vào mùa Hè, cây được gọi là natsuebine (lan rễ lưng tôm mùa hè). Giả hành có 2-3 lá cỡ 15-25 cm x 5-8 cm. Dò hoa cao 35 cm mang 6-25 hoa trắng có môi tím từ nhạt đến xậm.
Theo vuonhoalan.net