GS Lộc nói vui mà thật rằng: trong cuộc chơi công bố ra quốc tế một loài lan mới, thật dễ bị cướp tay trên! Cuộc cạnh tranh đó khốc liệt đến mức có khi tính bằng giờ.
GS.TS. Phan Kế Lộc, ĐH Quốc gia Hà Nội, một nhà khoa học thực vật có tiếng trong giới kể, những nhà thực vật học Việt Nam đã từng tiếc đến ngẩn ngơ khi một loài hoa Lan mới chưa từng được biết đến trên thế giới được phát hiện ở Việt Nam, vì chưa kịp “cầm nóng tay”, thì đã bị một nhà thực vật học người Tiệp nhanh tay công bố ra quốc tế trước…
Ông kể lại:
Thời gian đó, trong khi 3 nhóm nhà thực vật học ở phía Nam sau khi thu mẫu, đang tìm người cộng tác mô tả, thì người thứ 4, một nhà thực vật học người Tiệp đã lấy được một cành, đem về trồng ở Praha, ra hoa đẹp và mô tả là loài Lan vani hòn bà (Vanilla atropogon Schuiteman, Aver. & Rybkova) – (Theo nhóm nghiên cứu viện Sinh thái học miền Nam, tên tiếng Việt loài hoa này là Lan vani nhiều lông – PV)!
Nói như vậy để thấy cuộc cạnh tranh này khốc liệt lắm! Như vừa rồi, chúng tôi lại mới suýt bị “cướp tay trên” trường hợp cây Lan hài cảnh (Paphiopedilum canhii O. Gruss & Aver.) và Lan giáng hương phong (Aerides phongii Aver.).
Trường hợp thứ nhất, khi chúng tôi vừa thấy một hoa Lan hai lá, đang thảo luận cùng các nhà Lan học trên thế giới để công bố thì nghe có người buôn lan của Việt Nam đã mang cây này sang bán cho nhà buôn Lan Đài Loan. Trong điều kiện Đài Loan, họ có thể trồng, ra hoa ngay, mô tả và công bố ngay. Một nhà khoa học Nga trong nhóm chúng tôi lúc đó đã phải viết bài ngay trên giường bệnh cho kịp. Chúng tôi đã công bố loài này chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày.
Lan giáng hương phong (Aerides phongii Aver.). Ảnh: cxcanh
Còn trường hợp thứ hai, chúng tôi vừa hoàn thành mô tả, viết bài và nộp bản thảo thì một số người chơi Lan ở Khánh Hòa đã nghe phong phanh, trao đổi trong mạng với nhau và cũng định nhờ ai đó viết bài… Đây là những bài học xương máu mà chúng tôi luôn luôn phải cảnh giác.
PV: Thưa, nói đến cuộc đua công bố loài Lan, chúng tôi nhớ cách đây không lâu, báo chí có thông tin rất chi tiết và “rầm rộ” về câu chuyện “Thanh Hóa phát hiện ra một loài thực vật chưa từng được biết đến trên thế giới”. Cung cấp các thông tin như hình ảnh và địa điểm thu mẫu trên báo chí, có ý kiến cho rằng, việc tiết lộ bí mật này có thể làm cho chúng ta mất quyền ưu tiên công bố loài đó. Bởi rất có thể một nhóm khác tìm đến khu vực đó và thu thập mẫu vật và công bố trước chúng ta. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
GS. Lộc: Theo thông lệ quốc tế, không bao giờ người ta để lộ thông tin về những bài báo đang trong thời kì xét duyệt. Chỉ sau khi được duyệt, sửa chữa và chấp nhận đăng, thì còn chờ xếp số, trang cho in thì người ta mới để lộ một số tin tức, mà chỉ là phần tóm tắt thôi. Điều này để đề phòng có những người công bố trước làm mất đi tính hấp dẫn khi bài báo chính thức được công bố.
Và điều này càng cần giữ kín đối với một số nhóm thực vật, mà việc cạnh tranh công bố có khi chỉ tính từng giờ, như Lan mà tôi đã chia sẻ ở trên chẳng hạn.
Còn việc một số tác giả đã để lộ tin tức về loài Aristolochia ở Xuân Liên, Thanh Hóa, tôi nghĩ là do ngờ nghệch. May mà đây không phải là nhóm quá quan trọng như một số nhóm thực vật khác, và cũng không có nhà khoa học nào thường ngày cạnh tranh.
PV: Việc “tìm loài mới” hiện nay ở VN hiện có những hạn chế gì, thưa ông?
GS. Lộc: Hệ thực vật Việt Nam còn chứa đựng không ít loài mới. Việc phát hiện loài thực vật mới có ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung tính đa dạng sinh học của Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay là thiếu các nguồn kinh phí để tổ chức thu thập mẫu trong thực địa, đem về trồng để có hoa quả làm cơ sở tin cậy để nghiên cứu, mô tả và chưa có sự hợp tác đầy đủ với các chuyên gia thế giới am hiểu sau để công bố.
PV: Quay lại chuyện “cuộc chiến” công bố Lan ở Việt Nam, hiện các nhà khoa học đã phát hiện được khoảng bao nhiêu loài và được đặt tên nhà khoa học VN?
GS. Lộc: Trong 15-20 năm qua, các nhà thực vật đã mô tả hơn 100 loài mới, phần lớn là Lan do tiến sĩ khoa học, giáo sư Averyanov, người Nga chủ trì. Chúng tôi đã thống nhất dùng tên của người sưu tầm đầu tiên làm định ngữ chỉ một số loài mới đó, để khuyến khích sự hợp tác lâu dài và có hiệu quả giữa các bên. Đó là trường hợp Paphiopdelum canhii (canhii là định ngữ chỉ loài lấy tên ông Cảnh), Hymenorchis phitamii (phitamii lấy tên ông Nguyễn Phi Tâm), Aerides phongii (phongii từ tên của ông Phong).
Cám ơn ông.
Theo motthegioi.vn