Với gần 30 năm lăn lộn trên khắp các cánh rừng nhiệt đới của Việt Nam, nhà thực vật học Nga Leonid Averyanov đã trở thành chuyên gia hàng đầu thế giới về lan Việt, ông cho biết việc bảo tồn hoa lan tại Việt Nam đã bắt đầu quá muộn…
Với gần 30 năm lăn lộn trên khắp các cánh rừng nhiệt đới của Việt Nam, nhà thực vật học Nga Leonid Averyanov đã trở thành chuyên gia hàng đầu thế giới về lan Việt. Ông đã khám phá ra nhiều loài lan mới cho Việt Nam, trong đó có loài đặc hữu mà ông đặt theo chính tên vợ mình: lan hài HêLen (P.Helenae). Tiến sĩ Averyanov đã trả lời phỏng vấn về những khó khăn trong việc bảo tồn lan Việt.
– Ông có thể so sánh giá trị của lan Việt Nam với lan Trung Quốc, lan Thái-lan?
– Nói về sự giàu có về lan, Việt Nam và Thái-lan là ngang nhau, nhưng Thái-lan đã khởi đầu tốt hơn nhiều. Đã có những dự án về phát triển hệ thực vật ở Thái-lan từ 50 năm trước đây. Vua Thái đã bảo trợ vô số các dự án như vậy, kể cả về đào tạo thực vật học, nên bây giờ họ đã có ít nhất 100 nhà thực vật học trẻ tuổi. Việt Nam thì còn chưa bắt đầu, số người nghiên cứu chuyên về lan và thực vật học thì không thể so với Thái được.
– Số loài lan của Thái cũng nhiều hơn Việt Nam?
– Thái-lan hiện thống kê được khoảng 1000 loài (nhưng có rất nhiều loài được mô tả trong các bộ sưu tập có thể lại được phát tán từ Lào hay chính Việt Nam). Còn Việt Nam, chúng tôi đã thống kê được 900 loài. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam ít nhất cũng có tới 1.100 loài, có thể còn hơn nữa. Vì có nhiều vùng đất vẫn còn chưa được khảo sát.
– Trung Quốc được coi là vương quốc của những loài lan quý hiếm, so với họ, số lượng lan đặc hữu của Việt Nam thế nào?
– Về lan đặc hữu, Việt Nam ngang với Trung Quốc, thậm chí nhỉnh hơn tí chút. Ở Việt Nam, có những vùng như vịnh Hạ Long, hệ núi đá vôi có từ hàng triệu triệu năm, rất đa dạng và biệt lập… Nên có những loài mọc ở chỗ này không có thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới. Điều tương tự cũng xảy ra ở Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên.
– Đã có nhiều báo cáo báo động về tình trạng chảy máu hoa lan đặc hữu của Việt Nam ra nước ngoài. Ông có nghĩ đây là một mất mát lớn của Việt Nam?
– Việt Nam đã mất quá nhiều. Hãy tưởng tượng những loài lan đặc hữu của Việt Nam không có ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, mỗi loài chỉ phân bố ở một khu vực rất hẹp và biệt lập. Và chỉ cần sự tàn phá các sinh cảnh ở đó, loài lan ấy đã có thể tuyệt chủng vĩnh viễn. Đây là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Nhiều khi các nhà thực vật học đến thì tất cả vùng đã bị tàn phá, nhiều loài lan đã chết đi và chẳng bao giờ có cơ hội được con người biết đến nữa.
– Ông có thể lấy thí dụ?
– Thí dụ như loài lan hài Việt Nam (P.vietnamense), một trong những loài lan hài đẹp kỳ diệu nhất đã không còn ngoài thiên nhiên nữa. Loài này có một quần thể rất lớn nhưng là duy nhất ở Thái Nguyên. Khi những người buôn lan phát hiện ra loài này, họ hiểu đây là loài quý có thể bán được khá nhiều tiền. Và người Nhật, người Mỹ, người Đức đã trả rất nhiều tiền, cả nghìn USD cho chỉ một cây lan. Vậy là những người buôn lan đã thu hoạch toàn bộ quần thể lan đó. Hiện nay ở Mỹ, ở Nhật và đặc biệt là ở Đức, loài lan này vẫn còn tồn tại trong các vườn sưu tập.
– Loài này hoàn toàn không còn ở Việt Nam nữa?
– Không. Ở Việt Nam đã hết. Chúng tôi đã xếp nó thuộc loài đã chính thức tuyệt chủng trong tự nhiên.
– Ông có ý kiến gì về việc gìn giữ và bảo tồn lan quý hiếm, nhất là lan hài, ở Việt Nam?
– Chính phủ phải huy động một số viện tham gia nghiên cứu chúng, sưu tập, lấy hạt, đổi màu, nhân giống ra với số lượng lớn, rồi bán ra trên thị trường. Vì vậy, việc khai thác chúng trong tự nhiên sẽ không còn có ý nghĩa gì nữa. Như Thái-lan đó, họ đã xuất khẩu vô số lan nhưng đều đã được nuôi cấy nhân tạo. Họ sưu tập rất nhiều, rồi sau bán tràn ngập ra thị trường. Vậy là các triệu phú chơi lan ở Mỹ có thể đặt mua lan quý ở Thái một cách dễ dàng. Không cần phải trả một đống tiền một cách bất chính cho lái buôn lan như ở Việt Nam. Ở Việt Nam, cách duy nhất để người yêu lan nước ngoài mua được lan là bằng con đường bất hợp pháp.
– Đó quả thật là cách làm khôn ngoan của người Thái…
– Vâng! Cách làm của Thái mềm dẻo hơn của Việt Nam. Việt Nam thì cấm ngặt, trong khi đó lan vẫn được mua bán một cách bất hợp pháp. Và thậm chí người Việt Nam cũng chẳng thu được tiền nhiều. Thu lãi lớn nhất phải là giới buôn lan nước ngoài. Tất cả hoàn toàn nằm trong sự thao túng của chợ đen.
– Chúng tôi từng qua một vài điểm mua bán lan tự nhiên, hàng đống lan được đổ xuống, nom thật kinh khủng…
– Vâng. Điều đó xảy ra ở nhiều nơi. Dân khai thác lấy về hàng đống, và chẳng khác gì nhổ cỏ. Nên lan khai thác gần như đều đã trong tình trạng dở sống dở chết. Hầu hết sau đó lại bị vứt đi. Hiện nay chỉ duy nhất 1% số lan khai thác là được bán và tiêu thụ thực sự.
– Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng của lan rừng ở Việt Nam?
– Rất khủng khiếp! Có những nơi, chỉ một thời gian trước đó tôi và Phan Kế Lộc vẫn thấy còn một quần thể chẳng hạn, thì sau đó trở lại chúng đã biến mất.
– Ông có cho là Việt Nam có khả năng nhân giống và nuôi cấy được các loài lan quý hiếm của mình hay không?
– Tại sao không? Vấn đề chỉ là tiền bạc. Mà cũng không đắt lắm đâu. Chỉ cần có ý muốn, và gửi đi đào tạo một số nhà khoa học trẻ.
– Ông có nghĩ là Việt Nam có khả năng như Thái-lan trong việc xuất khẩu hoa lan?
– 95% số người chơi lan lại không thích các loài hoa lan tự nhiên thật, mà là lan lai được nuôi cấy nhân tạo, chóng lớn, dễ trồng, ra hoa bền nhiều ngày, hoa lại to, rực rỡ và màu sắc lộng lẫy. Vì thế Thái-lan sản xuất ra vô vàn hoa lan lai nhân tạo. Cả Thái-lan, Singapore, Đài Loan và giờ đây là Trung Quốc đều nhân giống rộng rãi loại lan lai này; và một cách tự động, những nước này đã hoàn toàn chiếm lĩnh 95% thị trường lan thế giới. Còn Việt Nam bây giờ mới đang bắt đầu.
– Việt Nam vẫn còn khả năng thương mại lớn trong việc nhân giống các loài lan quý của mình, nhất là lan Hài đặc hữu?
– Không. Đã quá muộn rồi. Những gì Việt Nam có thì sau khi bị xuất khẩu lậu quá lâu, giờ đây ở Nhật, ở Mỹ và nhất là ở Đức người ta đều đã có hết. Rất đáng tiếc!
Theo vuonhoalan.net