Lan trong thiên nhiên thường được phát hiện trên những thân cây, ngã ba của những loài cây lớn. Do đó, đôi khi ta thấy có người nói lan là loài cây ký sinh, có khi là cộng sinh… Vậy lan là cây ký sinh hay phụ sinh? Hãy cùng Ngọc điểm tết tìm câu trả lời qua bài viết này nhé.
Mọi người đều biết rằng Lan là tên của những loài thuộc họ hoa Lan (Orchidaceae) không phải là loài ký sinh vì: Ký sinh (Parasite) là những cây sống bám trên cây khác nhưng sự sống của nó phụ thuộc hoàn toàn vào cây nó bám (gọi là ký chủ) nếu ký chủ chết thì ký sinh cũng không sống được.
Tuy nhiên nên phân biệt kiểu ký sinh bán ký sinh (hemiparasite): Cây ký sinh vẫn có bộ máy dinh dưỡng với rễ, thân, lá có lục lạp đầy đủ, nhưng rễ của chúng biến thành vòi hút, xuyên thủng vỏ thân cây chủ, xuyên qua mô Libe đến mạch gỗ. Nơi đây hệ thống mạch gỗ của vòi hút ấy thông với mạch gỗ của cây chủ. Chúng hút nhựa nguyên của cây chủ để rồi với lục lạp ở lá của chúng chúng tự đồng hóa qua con đường quang hợp, tạo ra carbohydrat giúp nó sống và phát triển (trường hợp cây chùm gửi họ Loranthaceae). Lan bám trên cây, cũng có diệp lục… nên nhiều người rất dễ lầm tưởng lan là ký sinh.
Thực chất lan là loại phụ sinh. Phụ sinh (Epiphyte) hay còn gọi là bì sinh, biểu sinh là những cây sống trên thân, cành, và cả lá của các cây cây chủ. Chúng có thân rễ và lá với lục lạp đầy đủ, nên có thể tự dưỡng nhờ phản ứng quang hợp. Rễ của chúng chỉ bám vào bề mặt bên ngoài cây chủ, hấp thu nước muối khoáng do nước mưa và sương đọng, rồi nhờ lục lạp ở lá quang hợp tạo dưỡng chất cho chúng sống. chúng không nhờ gì cây chủ, có chăng là giúp nó chỗ bám, chỗ tựa. Tách rời chúng ra khỏi cây chủ và trồng riêng, chúng vẫn sống độc lập. Cây phụ sinh cũng ít nhiều gây hại cho cây chủ, chúng có thể chặn lấy ánh sáng, hoặc có thể bóp chết cây chủ (Đa bóp cổ-Ficus sp.) Phong lan bám trên cây gỗ lớn, tách về trồng chúng vẫn sống tốt vậy phong lan là cây phụ sinh.
Nhưng lan còn cách sống nào không, cộng sinh chẳng hạn. Cộng sinh (symbiois) thường được định nghĩa là 2 sinh vật sống chung, trong đó chúng nương tựa hổ trợ nhau. Nhưng đôi khi chúng cạnh tranh nhau để tồn tại, thậm chí có lúc gần như sinh vật này ký sinh vào sinh vật kia. Sự cộng sinh ở lan thì như thế nào. Ở lan hột rất nhỏ và rất nhiều ở mỗi trái. Hột nhỏ đến độ mắt thường chỉ thấy được những hạt bụi nhỏ li ti. Vì nhỏ nên hột lan có cấu tạo hoàn toàn khác hột cây khác. Thông thường hột cây có 1 cây mầm (có rễ, thân, chồi mầm nằm trong 2 tử diệp, đôi khi còn có phôi nhủ chứa dưỡng liệu cần thiết cho hột nảy mầm và giúp cây lớn lên. Hột lan thì khác hẳn, nó có 1 lớp vỏ thường trong suốt, bao lấy mầm rất nhỏ, do 1 nhóm tế bào giống y nhau tạo nên, chưa có phân hoá chồi mầm, rễ mầm, thân mầm hay tử diệp gì rõ rệt cả, nên không có chất dự trữ ngoại trừ vài giọt dầu nhỏ, vì vậy người ta không bao giờ gieo cho hột lan nảy mầm được.
Nhưng trong tự nhiên chúng vẫn có khả năng nảy mầm được, dù rất ít, khả năng đó có được là nhờ hột lan được nhiễm nấm. Cơ may gặp nấm phù hợp cho sự nảy mầm của hột lan không phải là dễ, cho nên hột lan phải có rất nhiều để tăng xác xuất gặp gỡ ấy, khi bị nhiễm nấm khối tế bào trong hột lan sẽ phân cắt mau chóng, tổ chức thành mô cơ quan và hột lan sẽ nảy mầm cho ra cây lan con. Trong thiên nhiên hầu hết các loài lan đều nhiễm nấm ở rễ, thường các nấm này nhiễm vào rễ lan từ lúc nảy mầm.
Khảo sát đầu tiên về sự phát triển nấm ở rễ lan được ghi nhận vào đầu thế kỷ 19 và được xem đó là sự ký sinh. Cho đến cuối thế kỉ 19 thì bản chất của sự phát triển nấm ở rễ lan được xem như góp phần cung cấp thêm thực phẩm cho cây lan. Năm 1903-1909 trong 1 loạt thí nghiệm Noel Bernard đã cho thấy rằng sự hiện diện của khuẩn ti nội dưỡng là thật sự giúp cho sự nảy mầm và sự phát triển lúc đầu của cây con. Khuẩn ti nội dưỡng là những sợi nấm sống bên trong cây, khác với khuẩn ti ngoại dưỡng là những sợi nấm hiện diện ở nhiều loại cây, chúng bao bọc quanh rễ hoặc củ ở bên ngoài, không xâm nhập vào bên trong cây như ở khuẩn ti nội dưỡng.
Có 2 kiểu khuẩn ti nội dưỡng: Khuẩn ti tiêu dưỡng, các khuẩn ti phát triển thành nhiều nùi ở trong rễ lan rồi bị cây lan giết chết đi và được tiêu hoá đi. Khuẩn ti tiết dưỡng chỉ có ở đầu khuẩn ti chui vào trong tế bào tiêu hoá của cây lan và rót nội dung của khuẩn ti vào tế bào tiêu hoá ấy. kiểu liên hệ nấm-rễ này gọi là kết hợp căn khuẩn, không phải chỉ có ở lan mà còn ở nhiều cây khác. Phần lớn chất dinh dưỡng giữ lại trong lá hay thân cây khô thường cây khác sẽ không sử dụng được, các xác bã này cần phải được phân huỷ thành các chất đơn giản và điều này thực hiện được là nhờ nấm.
Vậy Lan có thể là hoại sinh (sapraophyte) hay không. Có 1 số loài lan sống trong đất không có lá, chúng hoàn toàn không có hoặc có rất ít lục lạp nên chúng không có khả năng quang hợp, không tự dưỡng được, sự sống của chúng hoàn toàn dựa vào chất dinh dưỡng do nấm cung cấp, chúng là những loài lan hoại sinh. Nấm phân huỷ các chất hữu cơ từ xác bã thực vật rồi xâm nhập vào rễ lan. Các sợi nấm chứa protein, carbohyrat và dầu sẽ được các tế bào tiêu hoá ở rễ lan sử dụng để nuôi sống chúng.
Theo pthuydhtn